Mùa rụng lá, mùa cây cao su không đau. Quanh năm, cây cao su rút cạn mình dòng nhựa trắng, đều đặn ngày ngày đêm đêm đỡ đần người nông dân trong bộn bề nỗi lo cơm áo. Chi chít quanh thân cây là những vết rạch ngang rạch dọc vĩnh viễn không thể lành da, liền miệng. Tuổi đời càng cao vết thương càng nhiều. Cây cứ chắt chiu từng giọt nắng giọt mưa của trời, từng ngọt lành của đất để rồi ứa ra rào rạt dòng nhựa vui buồn. Đến mùa này cây được nghỉ ngơi, những vết thương ngưng chảy máu. Lá rụng, cành cây trụi lủi vươn dài, sự sống âm thầm được nuôi dưỡng, nảy nở bên trong.

Phân tích bài Mùa lá rụng trong vườn mẫu 2

Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn là tác phẩm tiêu biểu của tác giả Ma Văn Kháng. Đây là tác phẩm tiêu biểu dẫn đầu cho văn học hiện đại đổi mới của giai đoạn cuối thế kỷ XX.

Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ ngày 30 Tết của gia đình ông Bằng với người con dâu cũ - chị Hoài. Đã rất lâu rồi Phượng không được gặp lại người chị dâu cả thân thiết của mình, lần cuối cùng gặp là vào ngày cưới của cô. Chị vừa về đến nhà đã được hai cô em nhiệt tình ra đón, cô về đúng lúc cả nhà đang mỗi người một việc chuẩn bị cho lễ cúng Tất niên đêm ba mươi Tết. Hẳn là do đúng thời điểm quan trọng này nên buổi hội ngộ càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Tác giả đã mô tả ngoại hình của Hoài qua con mắt của Phượng với hình ảnh người phụ nữ thôn quê chân chất trạc năm mươi tuổi, dáng người thon gọn trong chiếc áo bông chần hạt lựu. Gương mặt chị có cặp mắt hai mí rất sáng với khuôn miệng tươi, được che chắn bởi chiếc khăn len màu nâu ấm áp. Chị xách theo tay nải khá nặng, dáng vẻ tuy không ngơ ngác xa lạ nhưng lại đậm cảm giác bồi hồi nhớ thương. Tác giả rất tinh tế khi diễn tả tâm lý tình cảm nhân vật, trong suy nghĩ và trí nhớ của Phượng, chị Hoài chỉ hiện lên rất dịu dàng giản đơn nhưng lại rất sâu đậm. Dù không nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng chỉ qua một câu hỏi xã giao nhanh chóng, cô đã nhận ra người chị dâu thân thiết của mình. Chị Hoài cũng vậy, dù gần một thập kỷ xa cách nhưng một câu hỏi tu từ của chị cũng đủ để thể hiện cô nhớ ngôi nhà, nhớ từng con người trong gia đình như thế nào “Cô Phượng đấy như?”.

Ngay sau tiếng reo vui vẻ của Phượng, cô lập tức gọi mọi người ra đón. Anh Đông, chị Lý, Anh Luận nhanh chóng ùa ra đón chị với biểu cảm khó tin được, nửa tin nửa ngờ khi nhìn thấy chị. Có thể thấy việc chị Hoài xuất hiện ở thời điểm này là điều ngoài sức tưởng tượng của mọi người, khi chị đến thăm gia đình - đúng chiều ba mươi Tết. Cô đã rời gia đình này từ chín năm trước, khi người chồng cũ của cô - anh Tường hy sinh khi tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Cô đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau, xin bố mẹ chồng cho cô đi thêm bước nữa, tìm cho mình một gia đình mới sau thời gian dài để tang chồng. Nhưng dù có đi đâu cô vẫn luôn nhớ về gia đình cũ, nhớ về những người từng thân thiết nhất với mình. Khi cô trở về cũng là lúc mọi người trong gia đình bồi hồi nhất, họ nhớ đến người chị dâu trưởng đẹp người đẹp nết, luôn đối xử với mọi người rất tốt. Nhưng mọi người cũng hiểu rõ, dù nhớ dù thương cũng không thể giữ chị ở lại bởi giờ đây chị đã có một gia đình riêng, có những công việc lo toan riêng. Dù chị vẫn luôn giữ quan hệ rất gắn bó với gia đình này nhưng dù sao đây cũng là nơi để lại cho chị những kỷ niệm đau buồn mà chị có thể quên đi. Nhưng chị vẫn luôn ẩn mình trong gia đình đó, dù xa xôi nhưng mỗi khi gia đình có việc dù buồn dù vui chị đều quay về. Đó là khi mẹ chồng mất, chị cũng chủ động về chịu tang. Vào ngày cưới của Luận và Phương chị cũng về chúc mừng chia vui và giờ đây khi mà nhận được tin của cậu Cừ, chị cũng nhanh chóng trở về dù khi đó đã là ngày ba mươi Tết. Chị vẫn về thắp hương cho anh Tường, người chồng cũ đi đánh giặc không thể trở về, vẫn sợ cụ Bằng buồn mà bỏ cả công việc, bỏ cả gia đình nhỏ để trở về an ủi mọi người. Nhưng gia đình mới của chị cũng rất tốt, chồng mới và con cô rất hiểu chuyện và luôn ủng hộ cô khi hai đứa con cô vẫn luôn nhét quả vào tay nải, giục cô mau đi “Mẹ đi đi, không ông buồn, các chú, các cô mong!". Tay nải đầy nặng quà quê, với nếp tăng sản nhà trồng, với cây giỏ thủ chồng cô gói, với túi bột sắn dây và cả gói hạt giống mướp hương. Tuy những món quá không quá giá trị về mặt vật chất nhưng về tinh thần nó là vô giá, không gì có thể sánh bằng.

Khi ông Bằng biết người con dâu cũng sau nhiều năm xa cách về thăm, ông liền nhanh chóng chống batoong xuống cầu thang để gặp cô. Ông Bằng già đi rất nhiều, da đã xệ xuống, trên trán hằn đầy nếp gấp của thời gian đầy nỗi buồn suy tư. Nhưng ông vẫn luôn giữ được thói quen chỉn chu sang trọng với bộ comple đen kẻ sọc mờ, cài khuy chéo. Khi thấy Hoài, ông dường như không tin nổi mà sững đi trong vài giây, ông “sững lại”, “ngẩn ngơ”, mắt ông chớp liên tục, miệng nói không thành tiếng, ông như muốn òa khóc. Chị Hoài cũng không kém phần xúc động khi thấy bố, cô về phía ông Bằng, nghẹn ngào nấc lên tiếng “Ông”. Cụ Bằng cũng cố bình tĩnh lại, cất chất giọng khản đặc “Hoài đấy ư, con?”. Hai người cũng khóc, ông Bằng khóc, chị Hoài khóc, khóc vì niềm hạnh phúc bất ngờ. Ông Bằng nén lại xúc động hỏi thăm gia đình cô "Anh ấy và hai cháu vẫn khoẻ cả chứ, con?". Với ông Bằng cô hay chồng cũng đều là con ông, con cô cũng là những đứa cháu của ông. Chị Hoài lễ phép mà nhanh chóng trả lời ông, kể người chồng người con của cô đã mong được gặp ông đến như thế nào "Lẽ ra, anh ấy thu xếp công việc được cũng lên kính thăm ông dịp này. Cả các cháu nữa, bốn đứa, đứa nào cũng đòi đi. Nhất là thằng lớn, nó cứ bảo mấy lần nó qua Hà Nội mà chưa được vào nhà thăm ông, lần này rỗi rãi nó phải đi..."

Buổi tiệc cúng Tất niên của gia đình ông Bằng chính là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam nói chung, người dân phía Bắc nói riêng. Đây chính là lễ truyền thông nơi kinh kỳ phản ánh được văn hóa đẹp đẽ nhớ về tổ tiên của mỗi gia đình Việt Nam. Bàn thờ gia tiên càng đủ đầy càng nói lên được những mong muốn hy vọng cho một năm mới tốt hơn của mỗi người. Bàn thờ gia tiên của nhà ông Bằng cũng vậy, luôn đủ đầy mọi thứ. Trên đó có ngọn đèn dầu lim dim mờ ảo, luôn nghi ngút khói hương, ở giữa là ảnh thân phụ thân mẫu ông Bằng, bên trái là bức di ảnh của bà Bằng tóc vấn khăn nhung mặt hoa da phấn, bên phải là ảnh anh Tường với áo trấn thủ ô quả trám và mũ ca lô nghiêng. Bàn thờ bày đầy đủ mâm ngũ quả, có cả cặp bánh chưng xanh được buộc lạt điểu, có thêm những chén rượu nhỏ được bày ngang trước ban thờ. Ông Bằng vẫn như mọi lần, làm chủ buổi lễ. Nay đã già, mái tóc bạc còn lơ thơ vài sợi, thành tâm chắp tay khấn trước ngực thì thầm khấn “Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con văng vẳng nghe đâu đây giáo huấn của ông cha tiên tổ. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của thầy mẹ, gia tộc, ông bà, tổ tiên...". Sau đó ông khấn bà Bằng, khấn cậu cả Tường "Và em, cùng con trai cả của ba mẹ. Em cùng con đã mất và vẫn hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, đỡ nâng dìu dắt tôi cùng các cháu, các con, các em..." Qua lời khấn của ông, chính chúng ta cũng có thể thấy được rằng hiện tại không bao giờ có thể cắt khỏi quá khứ, ông bà tổ tiên cũng không bao giờ rời xa con cháu cũng như những người ở lại luôn luôn nhớ tới những người đã mất. Tất cả những điều đó biến thành một dòng chảy thời gian không thể cắt rời, thủy chung mà bền chặt. Nhưng những lời khấn của ông Bằng dù rất thành kính nhưng lại run run, tâm trạng ông lâng lâng, khóe mắt cay xè, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ khi ông đã cứng rắn loại bỏ tên thằng út Cừ ra khỏi lời khấn. Các con ông đứng ngay ngắn phía sau ông, xúc động với từng lời nói của ông. Chị Hoài ánh mắt “đăm đắm ngước lên bàn thờ”, rồi khi cha khấn xong vừa buông tay chắp lui ra chị đã nhanh chóng "liền thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực".

Dù có ở thời đại nào, dù có đổi thay ra sao thì tâm hồn của con dân Việt Nam vẫn thật sáng trong đẹp đẽ. Phong tục bản sắc văn hóa Việt Nam cũng thật đẹp, thật đáng để cho ta tự hào. Ông Bằng và các con cũng như mỗi người dân đều đang ngày ngày cố gắng lưu giữ được những nét truyền thống đó và giữ gìn phát huy đến các đời sau. Nét truyền thống đáng quý đấy còn thể hiện qua mâm cơm cúng Tết với đầy đủ các món đặc sản Hà Nội do tay cô bếp trường Lý - gái Hà Nội gốc đứng ra phụ trách chuẩn bị. Mâm cơm đầy đủ món ăn ngon mắt ngon miệng mà nhìn thôi cũng thấy thèm như: nem, giò chả, gà luộc, chân giò hầm măng, miến nấu lòng gà, rau củ xào, vịt hầm hạt sen, vịt tần, gà quay húng lìu,...Cô Lý đã rất tỉ mỉ chế biến từng món ăn, kỳ công nhất vẫn là món mọc. Đây không chỉ là một cô gái Hà Thành đầy đủ năng lực nữ công gia chánh mà còn thể hiện cô rất coi trọng bữa cỗ này, cô thành kính với gia tiên trên từng món ăn. Chính chương hai này tác giả Ma Văn Kháng đã thể hiện rõ nhất nét đẹp của văn hóa ngày Tết của người Hà Nội xưa. Cũng là cách ông tri ân, tôn vinh nét đẹp tâm hồn của con người Hà Nội qua từng nhân vật. Ông Bằng, cô Hoài, cô Lý,...mỗi người mỗi nét cá tính khác nhau, mỗi cách thể hiện khác nhau nhưng tề chung lại đều là những con người tốt đẹp luôn lưu giữ nét văn hóa Hà Nội xưa dù nó đang dần mai một mỗi ngày.